Viêm Mũi Dị Ứng Gây Khó Chịu Khi Chuyển Mùa
Bệnh viêm mũi dị ứng là phản ứng của cơ thể để chống lại sự xâm nhập của những chất lạ vào trong đường hô hấp trên, đặc biệt hay gặp vào lúc chuyển mùa (nóng sang lạnh, rét, mưa nhiều)
Viêm mũi dị ứng là tình trạng viêm của niêm mạc mũi mà nó biểu hiện bằng triệu chứng nhảy mũi, nghẹt mũi, ngứa mũi và chảy nước mũi, mà thường là do cơ thể mình không thể đáp ứng được miễn dịch với một chất lạ thì nó gây ra cái phản ứng dị ứng Khi bệnh trở thành mãn tính thì việc điều trị sẽ trở nên khó khăn, vì vậy cần có những kiến thức cơ bản để phòng và điều trị bệnh kịp thời.
Biến chứng nguy hiểm của viêm mũi dị ứng
Bác sĩ Phạm Thanh Sơn cho biết điều đáng lo ngại là hầu hết bệnh nhân đều khá chủ quan khi bị viêm mũi dị ứng. Không mấy người đi gặp bác sĩ, chủ yếu là chạy thẳng tới tiệm thuốc tây mua kháng sinh và nước nhỏ mũi tự điều trị. Cách xử trí này làm bệnh dai dẳng và tái phát, lần sau nặng hơn lần trước.
Viêm mũi dị ứng có những biến chứng phức tạp, rất khó chữa trị. Theo đó, người bị bệnh thường bị mất ngủ hoặc trằn trọc, dẫn đến mệt mỏi và hiệu suất làm việc kém. Viêm mũi dị ứng cũng khiến bệnh hen suyễn nặng thêm. Với người bị hen suyễn, thì viêm mũi làm ho và khò khè nặng hơn. Bị viêm mũi dị ứng kéo dài mà không chữa trị đúng cách dễ dẫn đến bệnh viêm xoang, do các xoang bị sưng lâu (tức là nhiễm trùng hoặc viêm trong hốc xoang quanh mũi). Người bị viêm mũi dị ứng cũng có nguy cơ bị hen gấp 3 lần người bình thường. Do người bị viêm mũi dị ứng thường chuyển từ thở mũi sang thở miệng, gây ảnh hưởng đường thở, từ đó dễ dẫn đến bệnh hen. Viêm mũi dị ứng ở trẻ nếu không điều trị dứt điểm và có các biện pháp phòng ngừa dễ gây đến các biến chứng về đường hô hấp cho trẻ như viêm tai, viêm phổi, viêm họng, viêm phế quản…
Viêm mũi dị ứng thật đa dạng và nhiều nguyên nhân, những trường hợp có cơ địa dị ứng cần cảnh giác cao với viêm mũi dị ứng. Để góp phần hạn chế bị viêm mũi dị ứng không nên nuôi chó, mèo trong nhà. Và nếu không thể không nuôi thì nên hạn chế đến mức tối đa tiếp xúc với chúng.
Cần vệ sinh định kỳ các chăn, ga, gối, đệm, vải bọc ghế, bọc đệm hạn chế sự tồn tại và sinh trưởng của một số ký sinh trùng (mò, mạt). Nhà ở cần sạch sẽ, khô thoáng, tránh ẩm ướt để hạn chế nấm mốc phát triển. Cần vệ sinh răng miệng hàng ngày nhất là đánh răng sau khi ăn, trước và sau khi ngủ dậy. Cần bỏ hút thuốc lá, thuốc lào và không nên ăn các loại thực phẩm mà xác định hoặc nghi ngờ gây viêm mũi dị ứng cho bản thân mình (tôm, cua, ốc). Tránh hoặc hạn chế tiếp xúc với với bụi (bụi trong nhà và bụi ngoài đường). Vì vậy, cần đeo khẩu trang khi quét dọn nhà và lúc ra đường. Những lúc giao mùa, thời tiết thay đổi từ nóng sang lạnh nhất là ở những người có cơ địa dị ứng thì cần giữ ấm cơ thể như: mặc đủ ấm, cổ nên được quàng khăn ấm. Khi nghi ngờ bị bệnh viêm mũi dị ứng nên đi khám bác sĩ chuyên khoa tai, mũi, họng để được điều trị sớm, tránh để bệnh thành mãn tính đưa đến viêm họng, phế quản dị ứng, hen suyễn. Không nên tự chẩn đoán bệnh cho mình và tự mua thuốc để điều trị.