Vì Sao Chiều Cao Người Việt Thấp Nhất Khu Vực?
Trong suốt 3 thập kỷ qua, chiều cao trung bình của người Việt chỉ tăng 4 cm, thuộc hàng thấp nhất khu vực. Đời sống vật chất đã cải thiện rất nhiều so với trước đây nhưng vẫn còn đó những vấn đề bất cập trong việc phát triển và nâng cao thể trạng người Việt Nam.
Thể trạng kém
So với các nước ở khu vực châu Á như Thái Lan, Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản,… thì tầm vóc của thanh niên Việt Nam là thấp kém hơn hẳn. So với tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới WHO, người Việt thấp hơn đến khoảng 13,1 cm đối với nam và 10,7 cm đối với nữ.
Một số lý do đã được đưa ra:
– Do tập luyện thể dục thể thao từ nhỏ nên sức bền của người nước ngoài tốt hơn.
– Giá sữa quá cao so với thế giới, trong khi đây là một trong những thực phẩm hỗ trợ tăng chiểu cao và hệ xương rất tốt.
– Trẻ em thiếu cơ hội được bơi lội để tăng chiều cao, nhất là trong điều kiện đất nước nhiều sông ngòi như Việt Nam thì bơi lội còn là cách phòng thân.
Chìa khóa là dinh dưỡng và vận động
Hai yếu tố quan trọng nhất trong việc tăng cường thể trạng, theo các chuyên gia là dinh dưỡng và vận động, tập luyện thể dục thể thao.
Có 3 giai đoạn rất quan trọng đối với việc tăng trưởng chiều cao của trẻ.
Giai đoạn đầu tiên là giai đoạn thai kỳ: trong thai kỳ người mẹ phải bổ sung thêm rất nhiều chất dinh dưỡng. Đặc biệt phải bổ sung vitamin D, thông qua việc tắm nắng, uống vitamin D. Cũng cần bổ sung kẽm, sắt và axít folic cũng như là canxi.
Giai đoạn quan trọng thứ hai là trong 2 năm đầu đời của trẻ: Trẻ nhỏ phải được ăn đủ bữa, ngoài ba bữa chính cần thêm khoảng 2-3 bữa phụ, đủ chất, đa dạng thực phẩm và đủ lượng cần thiết. Ngoài ra các món ăn còn phải hợp với tuổi, sức nhai và khả năng tiêu hóa của trẻ.
Giai đoạn thứ ba là giai đoạn tiền dậy thì. Ngay ở giai đoạn tiền dậy thì, trẻ đã phải được ăn uống đầy đủ các chất dinh dưỡng chứ không đợi đến khi dậy thì rồi mới bổ sung.
Phải tập vận động từ nhỏ
Xã hội hiện đại, nhiều phụ huynh quá coi trọng việc học của con cái mà quên rằng trẻ cũng cần phải vận động thể chất để có phát triển toàn diện.
Nhiều bậc phụ huynh luôn cho rằng con trẻ đã đi học cả ngày mệt mỏi rồi thì không nên ép con tập thêm các môn thể thao nữa. Đây là một quan điểm sai lầm bởi vì trong lúc đi học cơ thể của trẻ hoạt động rất ít, các trẻ còn thường xuyên ngồi sai tư thế, dẫn đến việc phát triển lệch lạc.
Vai trò của giáo dục thể chất ở nhà trường chưa thật sự tốt, còn tồn tại nhiều hạn chế khác như chương trình đơn điệu, không đa dạng các hoạt động, cơ sở vật chất chưa đảm bảo, giáo viên thể dục ít, lớp đông, mật độ vận động do đó không nhiều. Nếu một tuần trẻ chỉ được học 1-2 tiết thể dục thì chưa đủ.
Thêm vào đó một số trường còn xếp giờ thể dục vào buổi trưa nắng, không những học sinh không có sức để tập mà còn bị ảnh hưởng tới sức khỏe nhiều hơn. Để phát triển thể lực cho trẻ, phụ huynh không thể chỉ dựa vào các giờ thể dục trên trường mà còn phải đưa con đến các trung tâm tập luyện thể thao.
Để tập luyện có hiệu quả đòi hỏi sự thường xuyên. Trong một tuần phải có ít nhất 3 lần tập thể thao. Đối với học sinh tiểu học thì mỗi lần tập từ 30-45 phút là đủ. Càng lớn thời gian vận động phải càng phải tăng thêm nhưng nếu mục đích chỉ là rèn luyện thể lực thì cũng không cần tập quá nhiều, chỉ cần trong khoảng 1 tiếng.
Bơi hoặc tập bóng rổ là có thể giúp phát triển chiều cao toàn vẹn. Điều đó đúng nhưng chưa đủ. Thực chất bơi chỉ tác động lên cơ mà không tác động nhiều lên các khớp xương vốn có vai trò rất lớn trong việc phát triển chiều cao của trẻ. Còn môn bóng rổ nếu chỉ tập lệch một bên, chỉ tập ném bằng một tay thì cơ thể cũng phát triển lệch lạc, không cân đối, ảnh hưởng đến chiều cao. Do đó, khi trẻ tập bơi, bóng rổ hoặc bất kỳ môn thể thao nào cũng đều phải kết hợp với luyện tập thể lực để có sự phát triển toàn diện.
Nguồn: Tuổi Trẻ Online