Ung thư từ nốt ruồi – những dấu hiệu của nốt ruồi cần cảnh giác
Theo bác sĩ khi nốt ruồi to lên, đau, đổi màu sắc, dễ chảy máu thì người bệnh nên nghĩ đến đó là biểu hiện của bệnh ung thư da.
Ung thư từ nốt ruồi
Anh Nguyễn Văn Tình (47 tuổi, Văn Điển, Hà Nội) có một nốt ruồi ở phần mắt cá chân. Tuy nhiên, nốt ruồi này có từ rất lâu nên anh sống chung với nó. Đến khi anh thấy nốt ruồi to lên và có hiện tượng đau khi ấn vào.
Anh Tình nghĩ bị đau do nốt ruồi to, nên cũng chẳng để ý. Hàng ngày anh vẫn đi làm bình thường. Khi nốt ruồi có hiện tượng loét, chảy dịch anh đi khám thì bác sĩ chẩn đoán ung thư da.
Bác sĩ phải cắt bỏ vùng da bị tổn thương và điều trị xạ trị. Đến nay, bệnh đã điều trị được 3 năm chưa có dấu hiệu tái phát. Nhưng trường hợp của anh Tình may mắn là phát hiện sớm.
Trường hợp của Vũ Thị Mai (34 tuổi, Lục Nam, Bắc Giang) tìm đến khám bác sĩ vì nốt ruồi ở trán của chị Mai tự nhiên to lên và dễ chảy máu. Chị Mai lo lắng nên đi khám bác sĩ chẩn đoán bị viêm chị được mẹ mua thuốc lá đắp để tẩy nốt ruồi.
Sau khi, đắp lá được 1 tuần vết loét to, ăn sâu vào vùng xương sọ trán. Lúc này, chị Mai mới đến bệnh viện khám bác sĩ chẩn đoán ung thư đã có di căn xương.
Chị Mai cho biết, nốt ruồi này chị có từ bé và không bao giờ để ý đến nó vì tóc che. Tuy nhiên, khoảng 1 năm nay nốt ruồi có dấu hiệu to lên nhưng vì vẫn được che bởi tóc nên chị không đi khám.
Hay như trường hợp bệnh nhân Vũ Văn H. (Long Biên, Hà Nội) phát hiện khối bất thường màu đen như mụn ruồi vùng cánh mũi trái đã lâu, từng cạy ra vài lần. Sau đó nốt đen cứ to dần song không đau, không khó chịu nên ông muốn đến bệnh viện đốt laser nốt ruồi. Tại đây, bác sĩ chẩn đoán ông bị ung thư hắc tố da.
Theo thống kê của Bệnh viện Da liễu Trung ương, mỗi năm Bệnh viện này điều trị cho hơn 300 trường hợp mắc ung thư da và số lượng bệnh nhân tăng thêm 10-15% qua mỗi năm.
Dấu hiệu cần nhớ
Theo bác sĩ da liễu chuyên khoa I Trần Thị Kim Loan, Bệnh viện An Việt rất ít người để ý đến bệnh ung thư từ nốt ruồi đặc biệt khi thấy có những vết lạ trên da, người bệnh thường lầm tưởng là nốt ruồi hoặc vết bớt bình thường nên không đi khám sớm.
Bác sĩ Loan cho biết ung thư từ nốt ruồi thường bắt đầu từ u kích thước nhỏ, không ngứa, không đau nên người dân ít để ý. Tuy nhiên, thực tế trong quá trình phát triển, loại u này có thể gây viêm nhiễm, loét, hoại tử, phá hủy tổ chức tại chỗ. Trường hợp biến chứng nặng, u này có thể “ăn” mất ngón tay, chân, miệng, mắt, mũi… tùy vào vị trí khối u.
Nốt ruồi thay đổi màu sắc, hình dạng nghĩ ngay tới ung thư.
Để xác định ung thư bác sĩ sẽ khám và tiến hành xét nghiệm giải phẫu tế bào học. Tùy vào các trường hợp có thể điều trị cho phù hợp.
Theo bác sĩ Loan ung thư từ nốt ruồi là loại rất nguy hiểm, phát triển nhanh, di căn nhanh, gây ung thư thứ phát ở gan, xương, phổi, não, hệ thống hạch…
Nếu được phát hiện sớm, điều trị kịp thời ngay từ lúc nốt ruồi bắt đầu chuyển sang ác tính thì tỷ lệ khỏi bệnh khá cao.
Bác sĩ Loan nhấn mạnh khi thấy các bất thường trên da như các sắc tố có từ trước tự nhiên to bất thường, ngứa, đau, dễ chảy máu đó là cảnh báo về ung thư hắc tố, một loại của ung thư da.
Nốt ruồi đó có cái cũ có cái mọc mới, tự nhiên to lên nhanh, đau dấm dứt, ngứa, to nhanh, va vào chảy máu.
Nốt ruồi không có màu giống với những nốt ruồi khác trên da, dù là bất kể màu sắc gì như nâu, đen, xanh đậm, trắng hay đỏ đều đáng nghi ngờ.
Nốt ruồi bình thường sẽ có một màu sắc nhất định, tương tự và đồng đều nhau trên da nhưng nếu trên da có nhiều nốt ruồi khác màu, khác hình dạng, chỗ đậm, chỗ nhạt thì nguy cơ ung thư rất cao.
Một điểm đáng ngờ khi quan sát các nốt lạ trên da là đường kính của chúng lớn hơn hẳn các nốt ruồi thông thường. Nốt ruồi thường chỉ nhỏ hơn hoặc bằng 0,6 cm.
Bác sĩ Loan khuyến cáo, khi thấy trên da nổi u, cục nhìn như nốt ruồi hoặc xuất hiện các mảng màu da bất thường, có dấu hiệu lan ra, phát triển theo thời gian, sờ thấy cứng, rát cần nghĩ đến ung thư và đi kiểm tra càng sớm càng tốt.
Để điều trị ung thư từ nốt ruồi, các phương pháp áp dụng phổ biến là phẫu thuật (áp dụng ung thư giai đoạn sớm); Nạo và đốt điện để loại bỏ phần da ung thư; Phẫu thuật dao lạnh, dùng khí nito phun lên vùng da bị ung thư; Ghép da để giúp lấp đầy các phần da đã bị cắt bỏ; Xạ trị và hoá trị (áp dụng cho các trường hợp đã ở giai đoạn muộn).
Nguồn: Tri Thức Trẻ