Chữa Nghẹt Mũi Cho Trẻ Sơ Sinh Hiệu Quả
Nghẹt mũi là hiện tượng một hoặc cả hai lỗ mũi bị dịch nhầy ngăn bít, làm cho việc thở trở nên khó khăn.Trẻ sơ sinh bị nghẹt mũi sẽ phải thở bằng miệng, điều này khiến cho không khí vẫn còn bụi bẩn, khô và lạnh xâm nhập vào, dễ làm gặp các vấn đề liên quan đến hệ hô hấp của trẻ.
Nguyên nhân gây nghẹt mũi
Nguyên nhân chính dẫn đến việc trẻ bị nghẹt mũi là do các mạch máu và mô trong khoang mũi chứa quá nhiều chất nhầy. Nghẹt mũi có thể gây nên tình trạng khó ngủ cho trẻ sơ sinh, nếu không được chữa trị kịp thời có thể dẫn đến viêm xoang. Thêm vào đó, việc ăn uống của trẻ cũng sẽ khó khăn hơn khi bé bị nghẹt mũi.
Trẻ sơ sinh bị nghẹt mũi có thể vì gặp những bệnh do vi-rút gây ra như: cảm cúm, sốt, ho, hoặc là dị ứng với môi trường xung quanh,… Một số trường hợp trẻ bị nghẹt mũi do thức ăn hoặc các dị vật mắc vào mũi. Nếu gặp phải trường hợp này, các bậc phụ huynh nên đưa ngay con đến bác sĩ. Không nên tự mình lấy dị vật ra khỏi mũi của trẻ, vì có thể sẽ làm rách da hoặc nhấn sâu dị vật vào trong mũi.
Dấu hiệu để nhận biết trẻ bị nghẹt mũi
Nghẹt mũi ở mức độ nhẹ thường sẽ đi kèm với các dấu hiệu khác như nhảy mũi, chảy nước mũi, mũi bị đóng vảy, có đờm… Với trẻ sơ sinh đang còn bú sữa mẹ, việc nghẹt mũi khiến trẻ gặp khó khăn khi bú, bú ngắt quãng, dễ bị sặc sữa.
Trong trường hợp nghẹt mũi nặng, bé không biết cách khạc đờm ra sẽ khiến đờm khô cứng phía trong mũi, dẫn đến việc khó thở, trẻ phải thở bằng miệng. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến các bệnh khác như ho khan, nôn mửa, khô tím môi, viêm họng… Khi chất nhầy gây nghẹt mũi chảy xuống họng, trẻ sẽ ngứa rát cổ họng và sinh ra ho đờm.
Cách chữa nghẹt mũi cho trẻ sơ sinh
Đối với trẻ sơ sinh, các bậc phụ huynh nên lưu ý hạn chế dùng thuốc cho bé mà nên thử chữa trị nghẹt mũi bằng các cách đơn giản sau:
– Lấy gỉ mũi ra khỏi mũi bé thường xuyên
Các chất nhầy có quá nhiều sẽ bị đông lại và kẹt cứng trong mũi của trẻ, dẫn đến việc trẻ sẽ gặp khó khăn hơn trong việc hô hấp. Để giúp loại bỏ gỉ mũi cho trẻ, ba mẹ nên lấy một miếng bông nhỏ vừa bằng lỗ mũi trẻ, làm ẩm bằng nước ấm và nhẹ nhàng lau sạch mũi cho con.
– Sử dụng máy làm ẩm trong phòng
Việc làm này rất có hiệu quả trong việc trị nghẹt mũi cho trẻ sơ sinh. Một máy làm ẩm đặt trong phòng sẽ giúp không khí ẩm hơn, giúp cho bé giảm nghẹt mũi và gỉ mũi cũng tự động mềm ra. Tuy nhiên, các mẹ nên vệ sinh máy làm ẩm thường xuyên để tránh bị nấm mốc.
– Vỗ nhẹ lên lưng cho trẻ
Hành động vỗ một cách nhẹ nhàng lưng trẻ giúp cho chất nhầy trong ngực trẻ giảm bớt. Bạn có thể đặt trẻ nằm trên đùi và nhẹ nhàng vỗ lên lên trẻ hoặc massage lưng cũng rất có hiệu quả
– Sử dụng nước muối sinh lý
Nước muối sinh lý sẽ làm các chất nhầy bị kẹt trong mũi bé mềm ra. Sau khi nhỏ từ 1 – 2 giọt vào mũi trẻ, bạn hãy sư dụng dụng cụ hút mũi để làm sạch mũi cho con. Nếu có thể, bạn nên làm việc này trước bữa ăn để để giúp bé ăn dễ dàng hơn.
Theo Ngọc Quỳnh (Dịch theo Webmd)